Việc phân tích dữ liệu lớn (Big data) hỗ trợ Viettel Networks đánh giá và xử lý các trường hợp có trải nghiệm dịch vụ chưa tốt, từ đó nâng cao chất lượng mạng di động.Trong kết quả đo kiểm về chất lượng mạng di động được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố đầu tháng 4, Viettel là nhà mạng đứng đầu tại hầu hết chỉ tiêu đo kiểm. Trước đó vào tháng 3, kết quả đo kiểm trải nghiệm người dùng về mạng di động từ OpenSignal - một tổ chức quốc tế uy tín về đo điểm chất lượng mạng di động, cũng cho kết quả tương tự. Umlaut - tổ chức đo kiểm viễn thông hàng đầu thế giới cũng công bố kết quả đo kiểm các mạng di động tại Việt Nam, ghi nhận Viettel đạt danh hiệu “Best in Test”. Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam một mạng di động đạt chứng nhận “Best in Test” của Umlaut, với số điểm 886/1.000 - vượt khá xa mạng di động kế tiếp tới 180 điểm. Bà Nguyễn Thị Tâm - Phó TGĐ Viettel Networks đã có những chia sẻ chuyên sâu về chủ đề này. Vị trí số 1 không phải là ngẫu nhiên -Viettel đã có những thành tích đứng đầu về chất lượng đo kiểm mạng di động ở cả trong nước và quốc tế. Điều gì đã làm nên kết quả đó? - Năm 2004 khi ra mắt dịch vụ di động, Viettel đã đặt trọng tâm phát triển vào chất lượng sản phẩm. Chất lượng phải đứng đầu, sau đó mới tính đến các yếu tố như giá cước hay chăm sóc khách hàng. Từ lãnh đạo cấp tập đoàn, cấp đơn vị cho đến cấp nhân viên đều nắm rõ tinh thần như vậy. “Không phải ngẫu nhiên mà chất lượng mạng của Viettel được các cơ quan, tổ chức quản lý đo kiểm trong nước và thế giới công nhận như vậy”, bà Nguyễn Thị Tâm cho biết.Hàng năm, chúng tôi đều đặt ra kế hoạch nâng cao chất lượng với mục tiêu đứng đầu thị trường. Từ đó, chúng tôi lên kế hoạch mở rộng bao nhiêu vùng phủ, tối ưu dịch vụ cho khách hàng thế nào, nâng cao tốc độ data ra sao… Để hiện thực hóa mục tiêu, chúng tôi xây dựng một bộ máy tối ưu dịch vụ di động xuyên suốt trên diện rộng. Xác định tự làm là chính, bên cạnh đó chúng tôi cũng không ngừng học hỏi kiến thức và cách làm mới. “Chúng tôi luôn cải tiến phương thức tối ưu chất lượng dịch vụ. Ngoài việc tự làm, chúng tôi cũng không ngừng học hỏi kiến thức và cách làm mới”.- Việc nâng cao chất lượng mạng của Viettel gặp phải những thách thức nào? - Nhu cầu của khách hàng, thời gian và tần suất sử dụng dịch vụ ngày càng tăng, kéo theo yêu cầu về trải nghiệm dịch vụ cũng ngày càng cao. Song song với đó, mạng lưới ngày càng phức tạp với các hạ tầng 2G, 3G, 4G, 5G. Hạ tầng về bản chất đều sử dụng chung từng đó tần số, doanh nghiệp bắt buộc phải dùng cho công nghệ này rồi chuyển, chia sẻ tần số cho công nghệ kia. Bên cạnh đó, dịch vụ viễn thông ngày nay đã trở nên đa dạng hơn. Nếu trước đây dịch vụ chỉ đơn giản là nhắn tin, gọi điện, truy cập web, nhưng đã chuyển dịch lên thoại trên nền IP (VoLTE); một số điện thoại nhân bản thành nhiều SIM dùng cùng lúc nhiều thiết bị như điện thoại, máy tính bảng, đồng hồ thông minh (MultiSIM) hay dùng nhiều SIM trên một máy. Cùng lúc, xu hướng sử dụng điện thoại cho các nhu cầu mua sắm, thanh toán điện tử, học tập, hội họp trực tuyến… đòi hỏi chất lượng mạng và thiết bị đầu cuối tăng lên so với trước kia. Với những thách thức trên, nhà mạng không thể tiếp tục tối ưu theo cách truyền thống là xử lý từng phản ánh đơn lẻ. Thị trường đòi hỏi các doanh nghiệp phải phân tích Big data, chủ động phát hiện các trải nghiệm chưa tốt của khách hàng để nâng cao chất lượng trên diện rộng.